Lượt xem: 150

Chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp - Kết quả khẳng định hướng đi đúng

Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, thị trường ổn định, nâng cao giá trị trên một diện tích sản xuất, giảm thiểu tác động môi trường, từng bước nâng cao đời sống của người nông dân nông thôn - đây là kết quả rõ nét từ việc Sóc Trăng chỉ đạo tập trung chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo định hướng chiến lược “hợp tác, liên kết, thị trường, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm”.

 


Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi ở huyện Kế Sách. Ảnh Huy Minh

 

    Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng là một trong những hợp tác xã điển hình về thực hiện mô hình chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Hơn 30 thành viên của hợp tác xã chuyên trồng vú sữa vài năm trước đã cùng nhau thống nhất thành lập hợp tác xã liên kết sản xuất, từng bước chuyển từ cách trồng truyền thống sang quy trình sản xuất trái cây sạch, chất lượng, an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nông sản được liên kết tiêu thụ ổn định.

    Ông Sử Quốc Lộc - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lộc Mãi cho biết, thông qua liên kết tiêu thụ, giá trị trái vú sữa được nâng lên đáng kể, giá bán cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với bên ngoài. Đặc biệt trong 2 năm ảnh hưởng của COVID-19, hàng loạt các loại nông sản rớt giá thê thảm, nhưng vú sữa tím của hợp tác xã vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Ông Lộc cho biết thêm, mỗi năm, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 tấn trái, trong đó xuất khẩu sang Mỹ từ 90 - 95 tấn, số còn lại được tiêu thụ ở phân khúc thị trường cao cấp trong nước. Nhờ đầu ra ổn định, nhiều thành viên đã khá giả từ loại cây trồng này. Bình quân mỗi ha trồng vú sữa tím có lãi từ 150 - 180 triệu đồng/năm.

    Hay như Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi cũng được xem là điểm sáng ở xã Long Đức nói riêng và huyện Long Phú nói chung về sản xuất lúa đặc sản ST. Hợp tác xã với hơn 500 thành viên sản xuất lúa trên diện tích hơn 600 ha, có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bền vững với doanh nghiệp. Những năm qua, các thành viên hợp tác xã luôn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất lúa giống, giúp lúa hàng hóa của hợp tác xã luôn đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

    Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng lợi cho biết, mỗi vụ xuống giống hợp tác xã luôn có kế hoạch sản xuất, thực hiện trồng lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, tức là giảm giống, phân, thuốc, nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch. Nhờ giảm các chi phí, góp phần tăng lợi nhuận cho xã viên. Riêng về giá bán, nhờ thực hiện liên kết tiêu thụ, nên doanh nghiệp luôn mua cao hơn sản xuất bên ngoài 200 đồng/kg lúa tươi, tất cả thành viên hợp tác xã đều phấn khởi, thống nhất cao.

    Trong những năm qua, kinh tế nông thôn rất được tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm; trong đó, tỉnh tập trung chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo định hướng chiến lược “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm”. HĐND tỉnh còn ban hành nghị quyết thông qua Đề án Hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cùng giai đoạn này, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh.

    Trong 3 năm qua, Sóc Trăng đã thành lập mới 28 hợp tác xã, nâng tổng số đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 200 hợp tác xã chuyên trồng lúa, cây ăn trái, thuỷ sản, màu, chăn nuôi… với trên 10 ngàn thành viên và diện tích sản xuất hơn 12.400  ha. Tỉnh cũng thành lập được 1 Liên hiệp Hợp tác xã Artemia và hơn 1.200 tổ hợp tác…

    Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, kinh tế tập thể đang là nòng cốt đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp. Hình thành và phát triển được một số khu vực sản xuất được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP với 123 ha lúa; diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ toàn tỉnh đạt hơn 30 ngàn ha tập trung ở cây lúa, hoa màu, hành tím và cây ăn trái. Tỉnh cũng hỗ trợ phát triển và duy trì 94 mã số vùng trồng trên cây ăn trái với diện tích hơn 584 ha. Sự phát triển đúng hướng trong sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp đã góp phần giúp tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong năm 2022 đạt hơn 7,7%, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1,4 tỷ USD, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản trên 1 ha đạt 224 triệu đồng.

    Để chiến lược “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm” tiếp tục đạt hiệu quả cao, đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đạt được mục tiêu đã đặt ra là tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm của người nông dân, hợp tác xã, của doanh nghiệp. Khi giá trị nông sản được nâng lên, đời sống của người dân nông thôn sẽ đảm bảo.

    Có thể khẳng định, tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với nhu cầu thị trường đã và đang giúp nông dân tỉnh Sóc Trăng tăng lợi nhuận, thu nhập, đời sống kinh tế cũng từ đó được nâng cao, ổn định hơn.

Huy Minh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 51
  • Hôm nay: 126
  • Trong tuần: 70,553
  • Tất cả: 11,802,560